(*1460? - †1533)
#719. 200 escudos đúc năm 1999
*************
Duarte Pacheco Pereira là con trai của João Pacheco và Isabelle Pereira. Cụ tổ của ông là Diogo Lopes Pacheco, lãnh chúa vùng Ferreira de Alves, người đã ám sát Inês de Castro rồi sau đó bỏ trốn sang Tây-ban-nha và trở về vào thời Chúa Avis, lấy lại được toàn bộ gia tài và trở thành một cố vấn cho triều đình mới.
Năm 1455, người ta nhận thấy Pacheco là một người có học thức, và ông được hưởng học bổng của nhà vua. Năm 1588, ông thám hiểm bờ biển tây Phi. Pacheco Pereira bị bệnh sốt vàng da trong chuyến đi đó còn chiếc tàu bị đắm. Ông được Bartolomeu Dias, người đang trên đường quay về Bồ-đào-nha sau chuyến đi vòng quanh Mũi Hảo-vọng lần thứ nhất, cứu sống trên đảo Hoàng-tử (l'Île du Prince) trong vịnh Ghi-nê. Những kiến thức Pacheco Pereira học hỏi được từ chuyến thám hiểm của Dias và của chính ông đã giúp ông nhận được vị trí người phụ trách lĩnh vực địa lí chính thức của triều đình Bồ-đào-nha. Ngày mồng 7 tháng sáu 1594, với tư cách là contínuo (một chức vụ tương tự chưởng khế hoặc tổng thư kí) của văn phòng nội các vua Bồ-đào-nha, ông đã tham gia kí Hiệp ước Tordesillas với triều đình Tây-ban-nha. Đây là một hiệp ước có nội dung chia chác phần thế giới không theo đạo Thiên chúa giữa hai cường quốc trên biển là Tây-ban-nha và Bồ-đào-nha song nó bị giáo hoàng ngăn cấm. Năm 1498, Pacheco Pereira nhận nhiệm vụ do vua Manuel đệ nhất giao thực hiện một chuyến thám hiểm được tổ chức bí mật nhằm mục đích thám sát các khu vực đã xác định vị trí ở bên ngoài đường phân định theo Hiệp-ước Tordesillas. Chuyến thám hiểm này khởi hành từ quần đảo Cap-Vert, theo một số người thì có lẽ nó đã dẫn đến việc ông khám phá ra xứ Brasil, ở khoảng giữa vùng Maranhão và Pará, trong khoảng thời gian giữa tháng mười một và tháng chạp cùng năm. Từ vùng đất này, có lẽ ông đã đi lên bờ biển phía bắc và đến đồng bằng sông Amazone cũng như đảo Marajó. Các nghiên cứu gần đây chứng minh rằng chắc chắn Pacheco Pereira đã khám phá ra Brasil vào năm 1498, hai năm trước chuyến đi đến miền đất này do Pedro Álvares Cabral thực hiện, ông này vẫn được coi là người Âu đầu tiên khám phá ra Brasil. Tuy nhiên, triều đình Bồ-đào-nha đã giữ kín bí mật trên vì nó vi phạm những điều lệ liên quan đến chuyện thám hiểm và khẳng định chủ quyền lãnh thổ do hai đế quốc đặt ra.
Năm 1503, Pacheco Pereira chỉ huy con tàu buồm Espírito Santo thuộc hạm đội của Albuquerque nhằm hướng Ấn-độ. Ông ở lại Cochin cùng một trăm năm mươi người Bồ-đào-nha dưới quyền và một số người bản xứ để bảo vệ một thương điếm của Bồ-đào-nha khỏi cuộc bao vây do năm chục nghìn quân của người cai trị xứ Calicut thực hiện. Sau khi đảm đương chức Tổng chỉ huy hạm đội Calicut, cũng như Phó-vương xứ Malabar, Ấn-độ, ông trở về Lisboa năm 1595 và được nhà vua vinh danh.
Hạm đội Armanda, với con tàu của Duarte Pacheco Pereira
Về cuối đời, sau khi thôi chức thống đốc São Jorge da Mina, ông bị tống giam theo lệnh của João đệ tam về tội buôn lậu vàng. Tuy nhiên, cho đến ngày nay, người ta vẫn không biết được động cơ thật sự của quyết định này. Ra tù, Pacheco Pereira được nhận ba trăm cruzados như phần thanh toán cho số nữ trang ông đã mang về lúc đương chức và gửi Nhà Mỏ nấu chảy. Tai hoạ cuối đời của Pacheco Pereira có thể được hiểu do ông ở xa Lisboa và sự thành đạt của ông đồng nghĩa với việc ông có nhiều kẻ thù ở ngoại quốc trong khi đó có ít bạn hữu ở kinh đô để bảo vệ ông. Pacheco Pereira qua đời khi không có người thân bên cạnh và không một xu dính túi. Ông mất vào đầu năm 1533 và ít lâu sau, nhà vua có ban cho con trai ông là João Fernandes Pacheco một khoản trợ cấp hai vạn reais. Do các món trợ cấp của hoàng gia lúc nào cũng đến muộn, vợ và con trai ông đã phải nếm trải nhiều khó khăn, điều này khiến họ phải chạy vạy vay nợ. Huyền thoại về cái chết của Duarte Pacheco Pereira đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều nghệ sĩ Bồ-đào-nha. Một nhà sử học nước này sống lưu vong tại Brasil trong những năm 1960 đã coi ông như một bậc anh tài, người mà cách nay hơn hai thế kỉ đã tính toán độ kinh tuyến với sai số có 4%.
Theo wikipedia
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire